Blog Tháp Phú Lốc – Ngôi tháp vàng vững chải giữa không gian

Tháp Phú Lốc – Ngôi tháp vàng vững chải giữa không gian

by Thơ Trần

Nổi bật như một ngọn hải đăng khổng lồ giữa không gian yên bình làng quê xứ Nẫu, tháp Phú Lốc từ lâu đã trở thành một vật phẩm thiêng liêng mà người Chăm vẫn còn để lại cho đất Bình Định. Nơi đây thu hút rất nhiều du khách yêu lịch sử, văn hóa nước nhà đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Chăm Pa.

Tháp Phú Lốc - công trình kiến trúc độc đáo của Bình Định
Nguồn: dulichdongque.com

Cách Quy Nhơn khoảng 20km về hướng Bắc, tháp Phú Lốc tọa lạc tại thôn Phú Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, Bình Định. Đi theo quốc lộ 1A giữa ngã tư quốc lộ 1A, sân bay Phù Cát và đường rẽ xuống FLC, du khách sẽ đến ngã rẽ phía trước có bảng chỉ dẫn vào tháp. Đi bộ chừng 300 mét là du khách đã đến ngọn tháp. Đường đi đến tháp còn khá hoang sơ do hoạt động khai thác du lịch chưa mạnh mẽ ở nơi này. Đường mòn dẫn lên tháp do người dân tự khai phá khá nhỏ hẹp, hai bên phủ kín các loại cây bụi, cây vảy ốc. Ngôi tháp nằm ở độ cao khoảng 70 mét so với mực nước biển.

Tháp Phú Lốc có nhiều tên khác nhau như Thốc Lốc, Phốc Lốc, Phú Lộc. Trong các thư tịch cổ, tên tháp còn được chép là Phước Lộc. Người Pháp, trong các công trình nghiên cứu của họ gọi là Tour d’Or (Tháp Vàng). 

Du khách sẽ đến với các bậc thang bằng đá dẫn lên tháp. Leo lên khoảng 200 bậc thang đá này du khách sẽ đến với bãi đất bằng phẳng nơi đỉnh đồi, đây chính là nơi xây dựng ngôi tháp. Từ nơi này du khách có thể nhìn về phía Tây Nam sẽ thấy toàn bộ thị xã An Nhơn, phía xa xa là quốc lộ 1A. Khung cảnh bao la, khoáng đạt, du khách có thể thư giãn, thả hồn mình vào ngọn gió vi vút thổi, gửi nỗi niềm cùng những cánh chim bay về phương trời xa…

Chùm ảnh: Tháp Phú Lộc - tòa tháp Chăm cổ bí hiểm nhất xứ Bình Định -  Redsvn.net
Nguồn: redsvn.net

Ngôi tháp được xây dựng vào thế kỷ XII, thuộc phong cách Bình Định có hòa trộn một số yếu tố của kiến trúc Khơ – me, chú trọng sự hoành tráng, đồ sộ, các cột ốp ở góc và ở giữa thường trơn thẳng, nhô mạnh ra ngoài, dùng đá để là các cột ốp dưới chân tháp và trang trí diềm mái. Tháp có chiều cao khoảng 40 mét, các cạnh có chiều rộng khoảng 12 mét, ít họa tiết trang trí ở cửa chính, chỉ có hoa văn diềm hình mác ở các cửa giả. Bên trong lòng tháp có dấu vết của vôi vữa trùng tu lại của người đời sau. Đỉnh tháp để trống tạo thành hình vuông nhằm đốt đuốc báo hiệu cho trung ương về các sự kiện bất thường hoặc các nghi lễ quan trọng. Tháp Phú Lốc không còn các ban bệ thờ như các tháp Chăm khác mà chỉ có vài phiến đá do người dân mang vào để thắp hương tưởng nhớ tiền nhân.

Đến ngôi tháp này ngoài việc tìm hiểu về văn hóa kiến trúc, giá trị của tháp đối với đời sống tinh thần của người Chăm Pa, vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm của tháp cũng sẽ chinh phục được những photographer khó tính. Hơn nữa, ở đây, du khách có thể thoải mái ngắm cảnh vật xung quanh ở vị trí khá cao. Thiên nhiên được ngắm nhìn ở góc nhìn khác cũng mang lại mỹ cảm đặc biệt. Chắc chắn du khách sẽ có được cảm giác tự do, thư thái khi ở trên đỉnh đồi của tháp Phú Lốc.

Đến với tháp Phú Lốc, du khách sẽ cảm thấy yên bình, thư thái khi đưa tâm hồn mình trôi dạt về cùng cội nguồn lịch sử. Được tham quan cảnh đẹp ở độ cao lý tưởng, được hòa mình vào không khí yên bình của làng quê, chắc chắn du khách sẽ có được trải nghiệm tuyệt vời khi đến với tháp Phú Lốc./.

Leave a Comment

Chào mừng bạn đến với website truyền thông quảng bá du lịch Quy Nhơn – Bình Định.

Nội dung trên trang web chỉ nhằm mục đích thông tin quảng bá du lịch. Bất kỳ hiển thị mua bán sản phẩm đều chuyển hướng đến trang web của doanh nghiệp đối tác. 

LIÊN HỆ

Đăng ký nhận tin tức và cập nhật mới nhất

Copyright © 2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by SaveMoney