Nhắc đến Bình Định là du khách ngay lập tức sẽ nhớ đến vùng đất của văn hóa Chămpa, văn hóa chùa tháp. Đi đến huyện nào của mảnh đất giàu truyền thống này, người ta cũng có thể bắt gặp hoặc nghe giới thiệu một cách đầy tự hào về những ngôi tháp Chămpa đang tọa lạc tại đây. Trong số những đền, tháp Champa hiện còn, có một kiến trúc được xây dựng ở vị trí khá đặc biệt, thuộc vùng đất của kinh đô Đồ Bàn (châu Vijaya) bị lãng quên hơn 5 thế kỷ, đó là tháp Hòn Chuông.
Tháp Hòn Chuông (hay còn gọi là Hòn Bà, Bà Chằng) nằm trên đỉnh ngọn núi Bà ở độ cao 727 m, thuộc địa phận thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km về hướng bắc và cách kinh đô Vijaya khoảng 20 km về hướng đông bắc. Giống như nhiều tháp Chămpa khác trên đất Bình Định, tháp Hòn Chuông cũng nằm tận trên một đỉnh núi cao. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhiều học giả Việt Nam có những công trình nghiên cứu về văn hóa Champa rất công phu, nhưng họ vẫn chưa phát hiện được ngôi tháp heo hút, hẻo lánh này.
Tháp Hòn Chuông được xây trên một khối đá khổng lồ hình quả chuông úp cao khoảng 49 m. Từ chân khối đá khổng lồ Hòn Chuông này không có đường dẫn lên tháp. Bình đồ tháp hình vuông, chân tháp có cạnh dài 4 m, cửa tháp mở ra hướng Đông, ba mặt còn lại được xây kín, không có cửa giả như những ngôi tháp Champa khác hiện còn, thân tháp xây thu nhỏ dần lên đỉnh và không có gờ, không trang trí chạm trổ hoa văn, không có trang trí điêu khắc đá, đế tháp được xây lót bằng một lớp đá cuội.
Đứng từ dưới chân núi nhìn lên, du khách quả thật sẽ không biết ngày xưa người Chăm đã vận chuyển nguyên vật liệu lên để xây tháp Hòn Chuông bằng cách nào? Ngày nay, đường đi lên tháp rất hiểm trở, khó khăn. Đường lên tháp gần nhất là đi từ hướng bắc thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài và nhờ người địa phương dẫn đường mất khoảng 3-4 giờ băng rừng, lội suối mới đến chân tháp Hòn Chuông. Để lên được khối đá khổng lồ cao 49 m lại là một khó khăn lớn hơn nữa. Muốn lên đến tháp Hòn Chuông phải nhờ những người leo trèo giỏi, bám vào vách đá leo lên trên tháp cột thả dây xuống, bám vào dây mới trèo lên tháp được.


Ngôi tháp Hòn Chuông được xây dựng trên núi cao và không có ngọn núi lớn nào che chắn trước mặt, nên tầm nhìn của ngôi tháp là cực kỳ rộng lớn. Từ ngôi tháp nhìn về phía Đông là đường bờ biển dài; phía Bắc là đồng bằng Phù Mỹ được bồi đắp bởi dòng sông Latinh chảy ngang qua; phía Đông Bắc thấy được cửa biển Đề Gì, từ đây vào Đầm Nước Ngọt, ngược dòng sông Latinh đi sâu vào khu vực nội địa; phía Đông Nam có thể nhìn thấy khu vực Đầm Thị Nại, có các nhánh sông Kôn đổ ra, đây được xem là cửa ra vào chính bằng đường thủy của kinh đô Vijaya; còn nhìn về phía Tây Nam, khu vực đồng bằng An Nhơn hiện ra trước mắt – nơi đây chính là trung tâm chính trị, tôn giáo của vương quốc Champa với hệ thống thành quách, đền tháp và phế tích tập trung phần lớn tại khu vực này; riêng khu vực phía Tây do có núi Chóp Vung chắn ngang nên tầm nhìn bị che khuất. Và chính bởi địa thế như vậy, từ nhiều vị trí khác nhau ở khu vực đồng bằng của tỉnh Bình Định, đặc biệt từ kinh đô Chà Bàn nhìn về hướng Đông,vẫn thấy rất rõ tảng đá Hòn Chuông nhô ra khỏi dãy Núi Bà.
Việc phát hiện tháp Hòn Chuông cũng rất đặc biệt. Năm 1993, trong đợt khảo sát tại khu vực dãy núi Bà, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phát hiện một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông mà từ trước đến nay không thấy tư liệu nào đề cập đến kiến trúc này. Bước đầu xác định, đây là một kiến trúc tháp, lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông và bổ sung thêm số lượng tháp Champa tại Bình Định lên thành 8 cụm. Và tháp Hòn Chuông được ghi nhận bởi những điểm đặc biệt như sau:
Về vị trí: Tọa lạc trên đỉnh núi có độ cao 800m so với mặt nước biển, cho nên tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Champa còn tồn tại có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.
Về kiến trúc: Tháp Hòn Chuông là một kiến trúc độc đáo về hình dáng. Tháp hoàn toàn không có hoa văn trang trí. Lý giải cho vấn đề hình dáng của ngôi tháp Hòn Chuông, có thể do ngôi tháp được xây trên tảng đá nguyên khối, nên không thể xử lý móng như những ngôi tháp Champa khác.
Về chức năng: nhìn từ xa, tảng đá Hòn Chuông đỉnh tròn dáng thẳng đứng, giống như một chiếc linga khổng lồ nhô lên dãy núi (hay còn gọi là Lingaparvati). Cho nên tháp Hòn Chuông mang một chức năng tôn giáo đặc biệt đối với khu vực Vijaya.
Ngày nay, mặc dù kĩ thuật kiến trúc và khảo cổ của chúng ta đã rất hiện đại, nhưng những vấn đề về việc xây dựng, cấu tạo… của tháp Hòn Chuông vẫn thực sự còn là một bí ẩn, thu hút nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu, khảo cổ. Du khách nếu có dịp ghé thăm huyện Phù Cát, có lẽ nên một lần tới tận mắt chững kiến vẻ đẹp của tháp Hòn Chuông, để cảm nhận sự kì diệu của bàn tay con người quá khứ trong việc xây cất nên những công trình kiến trúc – mĩ thuật tuyệt vời./.
1 comment
[…] cialis 20 mg how to use […]