Làng rèn Tây Phương Danh, Đập Đá nổi tiếng với hàng trăm hộ dân làm nghề và ngày càng phát triển với rất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong tỉnh. Làng nghề thu hút đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm nghề nghiệp độc đáo của người dân nơi đây. Đến làng rèn, du khách được tham quan các cửa hàng trưng bày sản phẩm của người dân, được giới thiệu công dụng của sản phẩm đồng thời tham quan khu sản xuất, nơi hàng trăm thợ rèn vẫn ngày đêm làm bạn với ánh lửa.

Mảnh đất An Nhơn – Bình Định vốn là nơi tụ hội hàng trăm làng nghề truyền thống độc đáo xung quanh kinh thành Đồ Bàn xa xưa, thành Hoàng Đế thời Nguyễn Tây Sơn. Trong đó nghề rèn vẫn được xem là nghề phục vụ thiết thực cho mọi hoạt động của các vương triều. Đến nay, các triều đại xưa chỉ còn lại là phế tích nhưng các làng nghề độc đáo vẫn hiện hữu cùng với sự phát triển ngày càng sôi động của xã hội hiện đại. Điều đó chứng minh cho giá trị vững bền của nghề rèn truyền thống đối với đời sống con người.
Làng Phương Danh nằm ngay tại trung tâm thị trấn Đập Đá. Cách Quy Nhơn khoảng 25km về hướng Bắc. Đến chợ Đập Đá, du khách di chuyển khoảng 150 mét là đến cổng làng rèn. Cánh cổng vươn cao giữa không gian sôi động của một thị trấn sầm uất như chào đón bước chân của thương lái cũng như bất cứ ai mong muốn khám phá nét độc đáo nghề nghiệp rèn.
Đến cổng làng, nếu đi xe máy, bạn có thể gửi xe ở nhà người dân, hoặc khu chợ để đi bộ vào trong tham quan từng hộ gia đình làm nghề. Nếu khách đi thành đoàn, tài xế nên đậu trên đường lớn gần khu chợ, từ đó du khách thả bộ vào làng. Hiện nay, tại làng rèn có khoảng hai trăm hộ dân làm nghề, mỗi lò rèn có khoảng 2 – 3 người thợ làm việc. Phía trước nhà là nơi bán sản phẩm rèn của hộ gia đình. Các thương lái mua số lượng lớn thường phải đặt hàng trước, còn du khách hoặc người đi chợ mua hàng có thể ghé đến cửa hàng để xem và chọn sản phẩm. Sản phẩm làng rèn chủ yếu là các loại nông cụ, các vật dụng dùng trong gia đình như cuốc, xẻng, lưỡi cày, rựa, dao, móng ngựa, bẫy chuột… Cầm trên tay các sản phẩm của làng nghề, bạn không khỏi thán phục sự cần mẫn, chịu thương chịu khó lẫn tài hoa hết mực của người thợ. Phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức họ mới có thể làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ cho đời sống người dân.

Mỗi lò rèn ở Tây Phương Danh thường sản xuất chuyên môn hóa một vài loại sản phẩm. Họ cũng thường xuyên học tập kinh nghiệm lẫn nhau để làm ra những sản phẩm tốt nhất. Đến làng rèn, du khách sẽ được chỉ dẫn, tham quan hoạt động sản xuất của người thợ bên trong làng rèn. Mỗi người thợ một công đoạn khác nhau dưới sự chỉ dẫn của người thợ cả, các hoạt động sản xuất diễn ra hết sức nhịp nhàng và thuần thục.
Nếu có dịp đến làng nghề vào dịp hội làng ngày 12 tháng 12, bạn sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội. Các gian hàng được bày biện, trang trí đẹp mắt, đường xá không ai bảo ai cũng dọn dẹp ngăn nắp để bước vào ngày hội. Lễ hội làng rèn là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của một làng nghề truyền thống với tuổi đời hơn 300 năm này. Đến lễ hội, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế tổ nghề, chơi các trò chơi dân gian như kéo co, đập ấm, nhảy bao bố, thi hát, xem hát tuồng… Lễ hội là cái Tết riêng của làng nghề, rất có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người dân./.
1 comment
[…] counterfeit fake cialis 20mg […]