Blog Đến thăm Đại lộ Khoa học tại Bình Định

Đến thăm Đại lộ Khoa học tại Bình Định

by Thơ Trần

Quy Nhơn được mệnh danh là thành phố thi ca, nơi đây có đường bờ biển dài xanh ngắt, có bãi cát vàng, có vầng trăng thơ mộng ám ảnh nhiều thi sĩ lãng mạn. Nhưng Quy Nhơn còn là một thành phố đang chuyển mình theo hướng hiện đại với nhiều công trình, hội nghị khoa học được xây dựng, được tổ chức, thu hút một lượng lớn những du khách đam mê khám phá.

Du khách đến Quy Nhơn sẽ được nghe giới thiệu một cách rất tự hào về một công trình mà không phải thành phố du lịch nào của Việt Nam cũng có. Quy Nhơn có một con đường thẳng tắp mang tên Ðại lộ khoa học (Science Avenne), chạy từ QL 1D vào Khu đô thị khoa học gồm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn, Tổ hợp không gian khoa học và các Viện nghiên cứu trong quy hoạch chung của Khu đô thị Khoa học. Cách đó không xa, có một con dốc dẫn lên đồi Thi Nhân, rẽ xuống dốc Mộng Cầm và nhiều người yêu thơ vẫn gọi vui là đại lộ Thi Ca. Người ta hay gọi Bình Ðịnh là “đất Võ – trời Văn” và rất đặc biệt là nay có thể nối dài thêm “Không gian Khoa học”. 

Tọa lạc tại số 07 Đại lộ Khoa học, Khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với diện tích rộng gần 22 héc-ta nằm bên bờ biển dài 300 mét, công trình Trung tâm ICISE (Khu đô thị khoa học gồm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn) do Kiến trúc sư Jean-Francois Milou (Pháp) và cộng sự thiết kế nằm ẩn mình giữa một rừng dừa, bên phải là vách núi, ở giữa là một dòng sông chảy quanh những ruộng lúa và các ao tôm. Với tỷ lệ xây dựng chỉ chiếm hơn 7%, quỹ đất còn lại được sử dụng chủ yếu tạo cảnh quan và xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên nhỏ trong lòng thành phố biển Quy Nhơn. Công trình được đánh giá là một trong 16 công trình kiến trúc đẹp nhất dành cho Khoa học và Giáo dục trên thế giới.

Nói đến Trung tâm ICISE thì phải nhắc đến tên tuổi của GS. Trần Thanh Vân. GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, người đặt nền móng xây dựng Trung tâm ICISE tại Quy Nhơn (Bình Định) cho hay: “Nhiều người hỏi tôi đây là con đường nhỏ sao lại đặt tên “Đại Lộ Khoa Học”. Chúng tôi nghĩ, đường nhỏ hay to không quan trọng mà điều cốt yếu là tinh thần, trí tuệ của khoa học ở bên trong con đường nhỏ đấy. Đây sẽ là con đường mở ra một đô thị khoa học tại Việt Nam và thế giới”. GS. Vân nhấn mạnh: “Từ ngày đi vào hoạt động, hàng năm Trung tâm ICISE đã vinh dự đón nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel trên khắp thế giới, hàng trăm nhà khoa học đến từ các châu lục. Chúng tôi mong muốn, sẽ có nhiều hơn nữa các nhà khoa học tại các viện hàn lâm trên thế giới về đây trao đổi, nghiên cứu khoa học tại Trung tâm ICISE”. Có thể thấy, mục đích của việc thành lập trung tâm khoa học này chính là để đáp ững nhu cầu khám phá, tập hợp và phát triển nhu cầu, hội nghị khoa học của hàng ngàn người yêu khoa học trên thế giới ngay tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, giống như tại các thành phố cổ kính, xinh đẹp tại Châu Âu. Chính khoa học là nền tảng để phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng… của một quốc gia và cả thế giới. Tại Trung tâm ICISE, GS Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft đã đi thăm tổng thể các hạng mục mô hình nhà vũ trụ, đài quan sát thiên văn phổ thông và bảo tàng khoa học đang được UBND tỉnh Bình Định đầu tư để biến thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn) thành Khu đô thị khoa học tương lai tại Việt Nam. Đó thật sựu là niềm tự hào của người dân Quy Nhơn nói riêng và cả nước nói chung.

Đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức hàng trăm hội nghị khoa học quốc tế và trường khoa học chuyên đề, tạo sức thu hút hàng vạn nhà khoa học quốc tế. Nhìn lại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, dễ dàng thấy những đề tài, ý tưởng, hoạt động khoa học phong phú; những chia sẻ mới nhất của những bộ não vĩ đại về Vật lý, Thiên văn và Vũ trụ học. Người ta cũng dễ dàng thấy đó là những vấn đề có tính cơ bản, cực mới ngay cả những người trong giới các nhà khoa học mà nếu không có nghiên cứu thì không phải ai cũng hiểu. Nhưng điều quan tâm ở đây là nhiều ý tưởng, công trình nghiên cứu đã được nối dài, phát triển mạnh mẽ từ những cuộc kết nối trực tiếp ở Quy Nhơn. Hàng ngày, có rất nhiều chuyến tham quan, ghé thăm để chiêm ngưỡng công trình xây dựng rất kì vĩ và thân thiện giữa một không gian cây cối, hồ nước xanh mát bất tận. Đặc biệt, việc tham quan này là hoàn toàn miễn phí nhé.

Nguồn: baobinhdinh.vn

Nhìn lại lịch sử hàng trăm năm của vùng đất Bình Định, có thể tự hào về lịch sử – văn hóa hoàn toàn xứng đáng với sự xưng tụng “đất võ – trời văn”. Sự nghiệp nhà Tây Sơn xưa không chỉ võ công mà ở nền văn trị, khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, hiền anh phơi phới lập sự với xã tắc. Trong “Chiếu lập học”, Hoàng đế Quang Trung tuyên dụ: “Dựng nước, lấy sự học làm đầu. Cầu trị, lấy nhân tài làm gấp”. Do đó, vùng đất này cũng nhanh chóng sản sinh ra nhiều nhân tài và ngày nay là những chí sĩ, những nhà khoa học có tiếng.

          Những nguồn mạch liên tục của tiền nhân đã tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ tài năng ngày nay tiếp tục phát triển. Văn chương, võ biền được xem như một động lực để khoa học tiếp nối. Mảnh đất dường như có long mạch Quy Nhơn – Bình Định đã trở thành một vùng đất lành cho những cơ duyên khoa học phát triển. Nguồn thơ mạch văn tương ứng, ở một góc độ nào đó, có thể xem như ký hiệu của những đại lượng vật lý. Nói theo thuật ngữ vật lý, đại lượng cơ bản, đại lượng dẫn xuất của miền Đất Võ – Trời Văn & Không gian Khoa học./.

Leave a Comment

Chào mừng bạn đến với website truyền thông quảng bá du lịch Quy Nhơn – Bình Định.

Nội dung trên trang web chỉ nhằm mục đích thông tin quảng bá du lịch. Bất kỳ hiển thị mua bán sản phẩm đều chuyển hướng đến trang web của doanh nghiệp đối tác. 

LIÊN HỆ

Đăng ký nhận tin tức và cập nhật mới nhất

Copyright © 2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by SaveMoney