Bình Định không chỉ nổi tiếng vì những cảnh đẹp biển đảo, ao hồ, sông suối. Bình Định còn nổi tiếng vì có nhiều cung đường sinh thái đẹp tuyệt vời. Du khách đến đây rất thích được dùng xe máy để trải nghiệm trên những cung đường này. Có thể kể đến như cung đường Quy Nhơn – Cát Tiến, Quy Nhơn – Sông Cầu. Trong số đó, cung đường đi đến Cổng Trời An Toàn nằm ở huyện An Lão, Bình Định được xem là một cung đường rất đặc biệt vì những cảm giác khác lạ mà du khách sẽ có được khi hài hòa giữa khung cảnh và sự quan sát cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây.
An Toàn là một xã trong tổng cộng 10 xã và thị trấn của huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Xã An Toàn nằm ở độ cao 1.200 m nên được ví von là “Cổng Trời” của Bình Định. Để đến được đây, bạn sẽ đi qua cung đường được xem là đẹp nhất tỉnh Bình Định, dành cho những ai yêu thích cung đường đèo uốn lượn và nhiếp ảnh… An Toàn nằm cách trung tâm thị trấn Bồng Sơn khoảng 55 km, cách cổng chào huyện An Lão trên tỉnh lộ 629 khoảng 40 km. Từ cổng chào này, bạn đi về hướng Tây, tới nghĩa trang liệt sỹ xã An Hòa thì quẹo trái, đi qua chợ Xuân Phong thì có con đường bê tông nhỏ bên tay trái, bạn cứ theo đó chạy thẳng vào thì sẽ đến được “Cổng Trời” An Toàn.
Cung đường đồi núi – đèo dốc đến với Cổng Trời kéo dài khoảng 30 km, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh núi non – rừng thẳm – sông suối, ngẩn ngơ với cảnh cỏ cây hoa lá rừng, đắm chìm trong tiếng chim ca ríu rít, ve kêu âm vang và hòa mình cùng đất trời đại ngàn bao la. Bên cạnh đó, bạn còn được quan sát và tìm hiểu đời sống của người dân tộc thiểu số trong vùng. Đường đi đến Cổng Trời được làm bằng bê tông rất rộng và dễ đi. Bạn chỉ cần trang bị một chiếc xe máy đầy xăng và một chiếc máy ảnh đầy pin để ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất mà bạn đi qua.
Sông suối tại huyện An Lão có đặc điểm ngắn, dốc nên thường chảy xiết vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô. Bạn sẽ đi qua cầu Bến Nhơn bắc qua một con suối, nước rất cạn. Giữa dòng còn có nhiều hòn đá lởm chởm. Nếu đến đây vào mùa hè, hình ảnh những đứa trẻ tắm suối trở nên rất quen thuộc và sẽ đưa bạn về với khoảng trời kí ức tuổi thơ. Đường đi khá quanh co và khúc khủy, qua nhiều ngọn đồi và núi cao thấp khác nhau. An Lão là nơi trồng nhiều cây cau như một loại cây nông nghiệp quen thuộc, chính vì thế, khung cảnh nhìn qua rất bình yên, quen thuộc như phong cảnh trong những câu chuyện cổ tích tuổi nhỏ.
Khi đi lên dốc, bạn sẽ có cơ hội được quan sát núi rừng bên dưới. Cảnh cây cối um tùm, xa xa là những đồi núi nối nhau chạy tít tắp. Đoạn đường chạy qua nhiều cây cầu nhỏ, bắc qua một vài dòng suối đá. Nguồn của nó là một trong hai thác K50 sông Nga hoặc thác Đá Ghe. Thỉnh thoảng du khách còn bắt gặp một vài thửa ruộng bậc thang lẩn khuất trong cây cối, rất giống như vùng cao phía Bắc. Huyện An Lão có 3 nhóm dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn là Bahnar, Hrê, và Chăm. Vì thế, không khó để bắt gặp một khu dân cư nằm dưới thung lũng. Hai bên đường đi là những thảm hoa sim, hoa rừng dại mọc tràn ra cả vệ đường. Vào những ngày hè nắng gắt, hoa càng lên màu rực rỡ, như tô điểm thêm cho núi rừng một vẻ đẹp rất riêng.
Qua những con đường đèo dốc quanh co, qua mấy cái núi, mấy con sông, con suối, chục cây cầu, vài chục cánh đồng, mới đi tới được gần Cổng Trời. Trước mắt du khách là nhà của những đồng bào dân tộc ở vùng cao. Đó là những nếp nhà sàn ẩn hiện trong cây cối. Trước sân nhà, gia cầm được thả chạy rất vui mắt. Xung quanh nhà, bà con phơi nhiều loại cây lá được hái về từ rừng xanh. Cảnh sắc mang âm hưởng Tây Nguyên đậm nét! Có khi bạn sẽ bắt gặp những bà con gùi hàng đi trên đường, gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi vui và thân thiện. Thỉnh thoảng, bạn còn bắt gặp cả cảnh trẻ con lùa trâu bò đi ăn trên đường, giống như một bức tranh thôn quê quen thuộc. Ai mà có sở thích hay đi về quê, đi lòng vòng chụp toàn cảnh đồng ruộng, rừng dừa, nhà tranh mái ngói, thì chắc chắn sẽ thấy sự bình yên, thanh tịnh trong khung cảnh, tươi mát tận đáy tâm hồn.


Đi một lát nữa, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những chòi lúa của bà con nơi đây. Tiếp đó là Trường tiểu học xã An Toàn với sân chơi rộng rãi và những dãy phòng học nhỏ chạy dài. Du khách có thể nán lại chụp ảnh cùng các em nhỏ, nên nhớ rằng các em rất thân thiện và sẵn sàng tạo dáng trước máy ảnh cùng bạn. Cung đường lại tiếp tục dẫn du khách đi qua nhiều khúc quanh co lên đến Cổng Trời. Nơi đây vào những ngày nắng, trải rộng trước mắt du khách là đồi núi trập trùng, bầu trời xanh ngắt một màu, dường như chỉ có con người và đất trời hòa làm một. Những ngày mùa đông, du khách sẽ có cảm giác như đang đi trong mây vì rất nhiều tán mây là là xuống tận mặt đường. Không gian thực sự giống như chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu du khách có thời gian và thích trải nghiệm du lịch bụi, có thể liên hệ với người dân đồng bào ở đây để ngủ qua đêm trong những căn nhà sàn của họ, cùng thưởng thức món rượu cần Tây Nguyên (vì nơi này giáp ranh với Tây Nguyên mà), cùng thưởng thức những món ăn vùng cao trong ánh lửa bập bùng và tiếng côn trùng, tiếng kêu của thú rừng trong đêm tối. Hãy tin rằng đó là những trải nghiệm khó quên trong đời./.