XÂY DỰNG BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU DU LỊCH BÌNH ĐỊNH
Hình ảnh, và cao hơn nữa là thương hiệu của một quốc gia, địa phương rất quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, địa phương đó. Hình ảnh, thương hiệu của quốc gia, địa phương sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi và thái độ của các đối tượng như: các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, đối tác kinh doanh, các tổ chức phi chính phủ…. Đối với ngành du lịch, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, địa phương là một nền tảng quan trọng vì nó sẽ ghi dấu ấn lâu dài trong nhận thức của khách du lịch, không chỉ của quốc gia đó mà còn trên phạm vi trên toàn cầu. Việc có được bộ nhận diện thương hiệu du lịch là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác marketing điểm đến để khẳng định vị thế cạnh tranh của quốc gia, địa phương với tư cách là một điểm đến du lịch trên trường quốc tế. Đây chính là lý do tại sao việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch trở nên quan trọng trong bối cảnh ngành du lịch đang rất phát triển và đóng góp không nhỏ đối với GDP của mỗi quốc gia hiện nay.
Bình Định nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong 5 tỉnh, thành của Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung. Tài nguyên du lịch của tỉnh Bình Định hết sức đa dạng, độc đáo và có bản sắc riêng. Với bờ biển dài 134 km, Bình Định được thiên nhiên ban tặng vô số bãi tắm đẹp như: bãi biển Quy Nhơn, Hải Giang, Cát Tiến, Quy Hòa, Nhơn Lý …và nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Hầm Hô, Ghềnh Ráng, Nhơn Lý, Eo Gió, Kỳ Co … Bình Định cũng là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời, có nhiều lợi thế về tiềm năng du lịch văn hóa – lịch sử, trong đó nổi tiếng là những di tích đền tháp Chămpa, là Bảo tàng Quang Trung. Đến Bình Định, du khách sẽ còn biết đến một tinh thần thượng võ nổi tiếng và được thưởng thức những màn biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn đẹp mắt tinh tế chỉ có ở miền đất này. Ngoài ra Bình Định là cái nôi của nghệ thuật Tuồng với nhiều vở diễn vang danh khắp xứ. Bình Định còn là nơi có rất nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng không chỉ quyến rũ du khách mỗi khi đến đây mà còn theo chân du khách trở thành những món quà lưu niệm khó quên sau mỗi chuyến đi xa.
Mặc dù Bình Định là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh du lịch nhưng cho đến nay du lịch Bình Định vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Định vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đối với khách du lịch. Vấn đề cần đặt ra phải làm sao khai thác, phát triển tiềm năng du lịch cũng như xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Bình Định đến với du khách góp phần du lịch phát triển. Trong đó, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch trở thành một vấn đề cấp bách và có ý nghĩa quan trọng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, năm 2021, tại trường Đại học Quy Nhơn đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng tiêu chí và bộ nhận diện thương hiệu của du lịch Bình Định”, với sự tham gia của đại diện một số sở, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong tỉnh. Hội thảo đã nghe trình bày đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng tiêu chí và bộ nhận diện thương hiệu của du lịch Bình Định” do PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn làm chủ nhiệm đề tài; ThS. Lê Thị Vinh Hương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đồng chủ nhiệm đề tài, cùng các thành viên công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn tham gia. Bước đầu nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã công bố kết quả tham luận về xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định; các tiêu chí của bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Bình Định; thiết kế các yếu tố hữu hình của bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Bình Định, gồm: Tên thương hiệu, khẩu hiệu (slogan), biểu tượng (logo). PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ cho biết: Mục tiêu của đề tài là phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo Chương trình hành động về phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX mà Trường ĐH Quy Nhơn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề tài.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, Trường Đại học Quy Nhơn được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để thực hiện nhiệm vụ này, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch là yêu cầu bắt buộc mà trong đó việc lựa chọn tên thương hiệu là một nội dung cốt lõi và hết sức cần thiết, từ đó mở ra việc tạo dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch gắn liền với tên gọi. Nhóm tác giả đã thảo luận, thống nhất xác định tên thương hiệu du lịch Bình Định là “Quy Nhơn” vì các lý do như sau:
(1) Về mặt lịch sử, Quy Nhơn ra đời trước và đã được nhắc đến từ lâu, dễ đọc, dễ nhớ… và đã định vị được trong tâm trí của nhiều người trong và ngoài nước.
(2) Quy Nhơn có hàm nghĩa hội tụ các yếu tố văn hóa, khoa học, thiên nhiên, nhân tài, … đã và đang được lưu dấu và là hạt nhân đại diện cho cốt cách cả vùng và khu vực (quốc gia và quốc tế).
(3) Quy Nhơn được xem là điểm đến cốt lõi của du lịch Bình Định đồng thời Quy Nhơn cũng là trung tâm phát triển kết nối các điểm tham quan du lịch nổi tiếng của tỉnh và các địa phương lân cận;
(4) Tên gọi Quy Nhơn được các tổ chức, tập đoàn… nổi tiếng sử dụng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước: FLC luxury resort Quy Nhơn, ICISE Quy Nhơn, Bambo Airway Quy Nhơn, Sân bay Phù Cát – Quy Nhơn, Avani Quy Nhơn Resort, Trường ĐH Quy Nhơn,…
(5) Quy Nhơn cũng là tên của thành phố Quy Nhơn mà ở đó có Bán đảo Phương Mai đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia nên lấy tên Quy Nhơn đại diện cho thương hiệu du lịch Bình Định sẽ được hưởng lợi từ chiến lược truyền thông của quốc gia về du lịch. Quy Nhơn là một thành phố thân thiện, hiền hòa và mến khách.
Có thể nói, việc đánh giá cao và tiến hành xây dựng tên gọi thương hiệu du lịch “Quy Nhơn”, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Bình Định như vậy thể hiện tầm nhìn chiến lược của địa phương trong việc đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà trong nhiều năm sắp tới. Việc làm đó phải đi kèm các hoạt động khác như thiết kế logo, slogan, hình ảnh quảng bá, ca khúc quảng bá, làm website, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện… Không lâu nữa, thương hiệu du lịch Quy Nhơn sẽ được đưa đến tận tâm trí của những du khách trong và ngoài nước, mở thêm cơ hội đầu tư về hạ tầng, kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, mỗi người dân Bình Định cũng phải có ý thức về việc xây dựng, tuyên truyền thương hiệu du lịch của tỉnh, bằng việc nối tiếp truyền thống hiền hòa, mến khách, thân thiện vốn đã có từ trong cốt cách, đồng thời có ý thức tôn trọng và xây dựng hình ảnh thương hiệu thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thực sự là một vùng đất không chỉ là “thiên đường biển đảo” của tự nhiên, “đất võ trời văn” trong văn hóa – lịch sử mà còn “hiền hòa, thân thiện, chân thành” trong đối đãi, giao tiếp, ứng xử./.