Trải Nghiệm Ẩm Thực
Category:

Ẩm Thực

Du lịch Bình Định, du khách ngoài có được thông tin về những địa danh tuyệt đẹp, nhiều chốn ăn chơi hấp dẫn thì nhiều người cũng mong muốn khám phá ẩm thực nơi đây cũng như tìm kiếm các món đặc sản ngon về làm quà cho bạn bè, người thân. Người ta thường nói món ăn chính là phần hồn của một miền đất, là thứ quyến rũ du khách theo cách riêng của mình. Vì vậy sau những chuyến đi, ai cũng muốn mang theo những sản vật đặc trưng nhất của vùng đất ấy trở về cũng như mang một phần rất đáng nhớ trở về để gợi nhớ về miền đất ấy. Đến với Bình Định nếu như chưa biết nên thưởng thức món gì, nên mua món gì về làm quà thì đây sẽ là những đặc sản hấp dẫn dành cho bạn.

Món đầu tiên được nhắc đến ở Bình Định chính là bún chả cá. Món bún chả cá Bình Định khác biệt hơn nhiều nơi khác chính là dùng chính nguồn nguyên liệu cá tươi ngon tại địa phương (cá thu, cá trích, cá chuồn, cá lao, cá mó…) với cách chọn lọc gia vị đặc biệt, chế biến độc đáo gia truyền, tạo nên điểm khác biệt nhất. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế mang vị chua ngọt chỉ Bình Định mới có. Giá một tô bún cá ở Bình Định thường là 20.000 đồng đến 30.000 đồng/ tô.

Chả cá Quy Nhơn | Đặc sản chả cá Bình Định giá SỈ tại xưởng
Nguồn: thucphamtuphuong.com

Món tiếp theo được nhắc đến khi đến Bình Định chính là mắm nhum Mỹ An. Cách chế biến món mắm nhum rất đặc biệt vì nó là tên của một loại động vật biển có nhiều ở vùng biển Bình Định. Người ta cắt sơ những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh con nhum rồi khoét một lỗ ngay miệng nhum, khéo léo lấy thịt nhum cho vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc “giang” nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum chín sẽ nhuyễn tan, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm nức. Mắm nhum không phổ biến vì loại động vật này chỉ có theo mùa, không phải lúc nào cũng đánh bắt được, thường chỉ rộ lên vào hè, người ta có tiền cũng không thể mua được vì không biết nơi bán, hay người có cũng chỉ dùng đãi khách quý hoặc để dành tặng người thân. Người vùng này dùng mắm nhum để ăn kèm với rau luộc (rau lang, rau rừng, rau sống…), vị vừa đậm đà vừa có mùi thơm không thể nhầm lẫn với các loại mắm khác. Giá bán cũng thay đổi theo từng mùa.

Mắm Nhum Mỹ An đặc sản bình định làm quà
Nguồn: vntrip.vn

Món tiếp theo được du khách nhắc đến nhiều và mong được thưởng thức chính là cua huỳnh đế. Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh), đặc điểm độc đáo có bộ áo giáp dày và càng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao khác hẳn với các loại cua khác. Cua Huỳnh đế được xem là vua của các loại cua. Cua thường sống trong những ngách đá trên biển. Cua Huỳnh Đế có thịt thơm, chắc  và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như cua nướng, cua hấp… đều rất thơm ngon.Thịt cua huỳnh đế chắc và trắng mịn, ngọt đậm đà. Chỉ cần hấp với xả gừng, rồi chấm với một chén muối ớt tiêu chanh thật cay thì ngon không cưỡng lại được. Đạm thịt cua huỳnh đế được xếp loại vào hàng cao nhất trong các loại đạm. Giá của cua huỳnh đế vì vậy cũng không hề rẻ, thường dao động khoảng 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ kg.

Cua huỳnh đế đặc sản Bình Định (Ảnh ST)
Nguồn: vntrip.vn

Cần nói thêm rằng, Bình Định là xứ biển nên hải sản vô cùng phong phú, các ngư dân nơi đây vẫn thường sơ chế và phơi khô hải sản để bán cho du khách. Đến Bình Định bạn có thể mua rất nhiều loại hải sản khô hấp dẫn như mực khô, mực tẩm, tôm khô, cá thiều que, cá bò, rong biển khô… Ưu điểm khi mua các món hải sản khô làm quà chính là dễ mang theo vì kích thước nhẹ lại không ảnh hưởng đến chất lượng khi mua đi xa. Du khách đến đây thường có thể tìm đến những cửa hàng đặc sản địa phương hoặc các khu chợ để mua về vài món hải sản khô làm quà, vừa hợp túi tiền, dễ mang theo mà chất lượng lại khó chê vào đâu được.

Du khách đi du lịch Bình Định không thể không chọn một món ăn nổi tiếng không kém ở đất võ là món bánh xèo tôm nhảy, nguyên liệu được người dân chọn lựa rất kỹ lưỡng để tạo nên một món bánh ngon, bánh được làm từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa đến những con tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Bánh xèo Bình Định không quá to như trong miền Nam mà được đổ trong nhiều khuôn nhỏ, vừa vặn để dễ cuốn ăn cùng bánh tráng. Bánh xèo vị ngọt, được ăn kèm với rau, ăn kèm với khế, xoài, để lại rất nhiều ấn tượng cho các du khách từng có dịp thưởng thức. Một số huyện trong tỉnh Bình Định cũng chế biến bánh xèo ngon là Mỹ Cang (Tuy Phước), Hoài Đức (Hoài Nhơn),..

Một món khác được chế biến từ nguyên liệu hải sản thơm ngon của vùng đất Bình Định chính là bún tôm Châu Trúc ở huyện Phù Mỹ. Để có một tô bún tôm Châu Trúc ngon phải người chế biến cần trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ. Đầu tiên là làm bún chọn loại gạo được ngâm cho mềm rồi mang đi xay sau đó cho vào túi vải làm ráo nước, bột khi đã ráo nước được đưa vào cối giã nhuyễn, mỗi cối bột là một dặn, người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Tôm dùng nấu bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt… Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút tiêu. Món này dọn kèm với bánh tráng nướng giòn thơm.

Ngoài các món từ cá, tôm, cua thì Bình Định còn nổi tiếng nhờ món bún sứa mà không phải vùng nào cũng có. Nồi nước lèo chua ngọt, vàng rộm, nóng hổi cùng với đĩa sứa tươi giòn là hương vị khó quên với nhiều du khách từng thưởng thức sứa nước lèo Quy Nhơn, Bình Định. Sứa sau khi bắt được, ngư dân chà rửa sạch nhớt, rồi ngâm với lá ổi hoặc phèn chua cho sứa se lại và mất đi mùi tanh. Sau một ngày mang ra xả nước lạnh thật kỹ, thái thành miếng là có thể dùng được. Sứa nước lèo phải ăn thật nóng mới ngon. Khi nồi nước lèo sôi sùng sục, với mùi thơm hấp dẫn, bạn có thể nhúng sứa nhanh qua rồi ăn luôn. Âm thanh sựt sựt, lạ tai khi cắn miếng sứa mềm khiến nhiều người tỏ vẻ thích thú. Một nồi sứa nước lèo ở Bình Định thường có giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng.

Ngoài những món hải sản được chế biến tươi, được phơi khô, Bình Định còn có một món ăn hải sản khô lại được chế biến kèm gia vị, đó chính là mực ngào. Mực ngào có một hương vị thơm ngon rất riêng thu hút khách du lịch. Để chế biến được

món mực ngào người đầu bếp đã phải rất công phu, tài tình tỉ mỉ chăm chút cho món ăn. Mực sau khi đươc thu mua từ những cảng hải sản tươi ngon được đem về sơ chế và chế biến luôn để giữ được độ tươi ngon nguyên vẹn  của mực. Mực được  ướp cùng tiêu, tỏi, ớt, mắm và một số loại gia vị khác để tạo độ thơm ngon đặc trưng của mực. Món ăn này có vị cay đặc trưng, thơm thơm của các loại gia vị sẽ làm bạn thích thú và muốn ăn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Gía của một cân mực ngào giao động từ  200.000 – 400.000 đồng.

Cá trích là loại cá nước ngọt sống ở các sông hồ ao suối. Cũng bởi Bình Định có nhiều sông hồ nên đây là môi trường thuận lợi để loài đặc sản này sinh sống. Cá trích đặc sản Bình Định có thân hình nhỏ, dài. Vì là loài cá có kích cỡ nhỏ nên khi ăn người ta sẽ kẹp cả con cá đã được chiên vàng ăn với bánh phở cuốn, kèm rau thơm, dưa chuột. Cá ngọt thịt nên bạn ăn sẽ không bị chán. Tuy nhiên nếu bạn là tín đồ gỏi sống bạn có thể được thưởng thức gỏi cá trích với những thớ thịt được lọc xương làm sạch. Sau khi đã lọc hết thịt cá, người ta đặt lên đĩa, rải thêm ít đậu phộng chín giã nhuyễn, thêm ít tỏi ớt, rau răm là đã đủ vị. Người dùng lấy cá cuốn với bánh tráng và rau sống, chấm thêm một chén mắm nêm thật cay là đủ hấp dẫn đến khó quên. Cái ngọt của thịt cá, đậm đà của mắm như níu giữ hồn thực khách.

Gỏi cá Chình Bình Định - đặc sản quy nhơn
Nguồn: vntrip.vn

Như vậy, có thể thấy rằng, các món hải sản ở Bình Định là cực kì phong phú và mang hương vị rất đặc trưng. Điều đó có được là nhờ nguồn nguyên liệu tươi sống, thơm ngon, mặt khác là nhờ bàn tay chế biến khéo léo của người dân nơi đây. Một chuyến du lịch đến Quy Nhơn, Bình Định tuyệt vời không chỉ là để thưởng ngoạn những cảnh đẹp, danh thắng đặc sắc mà còn phải kết hợp với việc thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng. Đừng quên tìm đến các loại đặc sản Bình Định bạn nhé ! Chúc bạn có những chuyến đi vui vẻ./.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

BÚN CÁ QUY NHƠN – MÓN NGON KHÓ CƯỠNG KHI ĐẾN THÀNH PHỐ BIỂN

Điều gì làm cho bạn luôn nhớ đến một vùng đất mình đã đi qua? Ngoài cảnh đẹp, các di tích văn hóa lịch sử thì ẩm thực là yếu tố không thể không nhắc đến khi đặt chân đến một nơi nào đó. Thành phố biển Quy Nhơn là nơi khiến bạn nhớ mãi không quên bởi những món hải sản cực kỳ hấp dẫn và cả món bún chả cá trứ danh đã chinh phục biết bao thực khách khó tính nhất.

Bún chả cá Quy Nhơn
Nguồn: quynhonrent.com

Đến thành phố biển này, du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những quán bún cá ngon để dừng chân thưởng thức. Có những quán đơn sơ chỉ gồm gánh nước lèo và vài cái ghế gỗ thấp nhỏ để phục vụ du khách, cũng có những quán khá sang trọng, rộng rãi với bàn ghế inox sáng choang. Nếu quen biết thổ địa ở đây thì bạn không khó để tìm được quán bún cá vừa ngon vừa rẻ đến bất ngờ. Một tô bún cá chỉ có giá 10 -15 nghìn đồng nhưng hương vị và chả cá dai ngon khiến bạn nhớ mãi.

Bún cá được xem là món ăn sáng, ăn xế giản dị, bình dân mà không hề kén người ăn. Chỉ cần bạn ăn được cá biển thì ăn chả cá không có vấn đề gì cả. Cách chế biến bún cá khá đơn giản. Chả cá được làm từ thịt các loại cá như cá nhồng, cá thu, cá củ, cá mối, cá măng… Thịt cá được lọc hết xương bỏ vào cối xay nhuyễn, và quết bằng máy hoặc bằng tay để thịt cá được dai ngon. Các loại gia vị như bột ngọt, muối, hành tỏi, tiêu, ớt… cũng được đưa vào xay nhuyễn cùng với thịt cá. Chả cá ngon nhất vẫn là loại chả được làm từ cá thu, cá măng. Tuy nhiên giá thành khá đắt. Các loại chả cá bình dân hơn là chả cá mối, cá nhồng, cá củ… Ở thành phố biển này, để kiếm những con cá tươi để làm chả cá không hề khó. Chỉ cần ra bất kỳ khu chợ nào vào buổi sáng sớm hoặc chiều tầm 3 giờ trở đi là bạn đã có thể chọn được cá để làm chả.

Bún sứa quy nhơn
Nguồn: quynhonrent.com

Có được chả cá ngon rồi bạn phải có nồi nước dùng đậm vị nữa thì món bún cá mới hoàn chỉnh nhé! Nước dùng được nấu từ xương của chính những con cá bạn lọc ra để làm chả. Nước dùng xương cá ninh kỹ cùng với hành tím nướng chín và củ hành tây để khử bớt mùi tanh và nước dùng được trong hơn. Sau đó lọc hết xương cá ra và nêm nếm gia vị vừa miệng.

Bún được làm từ gạo đăng kỹ, sợi trong veo, dai. Bún cá phải ăn cùng với các loại rau sống, hoa chuối và giá. Ngoài ra, tương ớt, chanh, hành ngâm giấm cũng thường được ăn kèm để món ăn thêm nhiều hương vị.

Có nhiều quán bún cá nổi tiếng ở Quy Nhơn bạn có thể ghé đến như quán bún cá Thùy ở đường Tăng Bạt Hổ, quán Phượng Tèo, quán Thu, quán Ngọc Liên ở đường Nguyễn Huệ, quán Tâm Hạnh, Út Hạnh ở đường Nguyễn Tất Thành… Các quán này phục vụ khá lâu năm và có nhiều món phối kèm rất đa dạng như bún cá sứa, bún cá riêu, bún cá tươi…

Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, qua bàn tay tài hoa và sự sáng tạo tuyệt vời mà người Quy Nhơn đã tạo nên món ăn không thể nào quên được đối với những ai có dịp thưởng thức. Hiện nay, món bún chả cá đã có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng đến Quy Nhơn để thưởng thức món ăn của chính nơi đây thì không còn gì tuyệt hơn nữa. Nếu có dịp ghé Quy Nhơn, bạn đừng quên dùng thử món bún cá nhé./.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

THƯỞNG THỨC BÁNH CƯỚI Ở BÌNH ĐỊNH

Bình Định lâu nay được xem là một trong những xứ sở nổi tiếng trên hành trình ẩm thực miền Trung, đặc biệt là các loại bánh được chế biến từ bột gạo, bột nếp. Từ bàn tay khéo léo của các mẹ các chị, những nguyên liệu dân dã nhất và đa phần có nguồn gốc từ thiên nhiên đã được biến tấu thành những món ăn ngon miệng, đẹp mắt, được nâng tầm thành lễ vật, văn hóa. Trong số đó, không thể không nhắc đến bánh phu thê và bánh hồng, hai món bánh đặc trưng và đã được xem là lễ vật không thể thiếu trên mâm lễ cưới xứ này.

Ở Bình Định, bánh phu thê còn gọi với cái tên khác là bánh xu xê, có lẽ do sự biến đổi trong cách phát âm. Đây là một món bánh cổ truyền, có từ rất lâu ở Việt Nam, nhưng ở đây, bánh phu thê có vị trí quan trọng đặc biệt và có một hương vị rất riêng. Bánh phu thê được chế biến rất kỳ công. Bột để làm bánh phải là loại bột gạo nếp thơm ngon. Có bột xong, trước đây người ta phải đem phơi cho thật khô trong khoảng 15 ngày để đủ độ mềm dai. Nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu chín giã nhuyễn, trộn với đường và thêm vào những sợi cơm dừa thái nhỏ. Một chiếc bánh phu thê truyền thống được gói bằng lá dừa, sau đó được hấp chín. Vào những dịp lễ Tết hoặc cưới hỏi, bánh thường được gắn lên một trái tim hoặc chữ “Phúc” màu đỏ với hàm ý cầu mong sự may mắn, sung túc. Bánh phu thê có sự hài hòa về màu sắc như âm dương, ngũ hành. Màu xanh của cây lá, màu vàng của đất, màu trắng của kim loại, màu đỏ của dây buộc may mắn. Đó chính là biểu trưng của sự hài hòa trong trời đất. Vì thế bánh được sử dụng nhiều trong lễ cưới ở Bình Định như một cách cầu mong vợ chồng thuận hòa, bền lâu. Bánh có vỏ hình vuông tượng trưng cho Đất, phần bánh hình tròn tượng trưng cho trời, đó là sự gắn kết thiêng liêng của đất trời. Khi ăn bánh, vừa có độ dẻo của bột nếp, vừa có độ ngọt bùi của nhân đậu xanh, mùi thơm của lá dừa, vị ngon không thể chối từ. Hiện nay, ở các cửa hàng bán đồ ăn đặc sản của Bình Định, hoặc các khu chợ địa phương bạn có thể mua được dễ dàng bánh phu thê với giá khoảng 50.000 – 75.000 đồng/ 10 cái.

Bánh phu thê - xu xê là gì, đặc sản ở đâu? Có ý nghĩa gì, bao nhiêu calo?
Nguồn: dienmayxanh.com

Bên cạnh bánh phu thê, nếu bạn đến Bình Định nhất định nên thưởng thức món bánh hồng. Bánh hồng có nguồn gốc từ thị trấn Tam Quan, Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Mặc dù bánh hồng chưa nổi tiếng như những bánh đặc sản khác của Bình Định, nhưng nếu một lần được thử bạn sẽ nhớ mãi không quên hương vị thơm ngon của chiếc bánh này. Bánh hồng được làm từ nếp, dừa và đường xay nhuyễn, đăng thành bột rồi hấp chín. Khi ăn bánh bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo của nếp, độ giòn sừng sựt của dừa sợi, vị béo nhẹ tự nhiên của nước cốt dừa len lỏi vào trong miếng bánh. Bình Định có nhiều nơi làm bánh hồng, nhưng ngon nhất phải là xứ dừa Tam Quan. Có lẽ vì dừa ở đây ngon béo nổi tiếng và các chị các mẹ ở đây cũng chăm chỉ, cần mẫn hơn trong khâu làm bánh hơn những nơi khác. Gọi là bánh hồng, nhưng bạn đừng ngạc nhiên vì bánh có màu trắng nhé, có lẽ tên gọi đó xuất phát từ câu “hồng diệp xích thằng”, chỉ sự se duyên kết tóc của lứa đôi. Cái tên bánh hồng nghe cũng thật sự ý vị. Bánh hồng luôn xuất hiện trên mâm cỗ cưới và ở nhiều gian hàng bán đồ đặc sản, các khu chợ địa phương. Bạn nếu đi du lịch đến Bình Định, nhất định nên mang bánh hồng về làm quà, bởi lẽ hương vị đặc trưng không nhầm lẫn của nó so với nhiều loại quà bánh khác. Bánh hồng có hai loại, loại ổ lớn và loại nhỏ đã xắt và gói trong giấy kính. Loại lớn là 40.000 đồng /ổ có đường kính khoảng 15-20cm. Loại nhỏ đã cắt sẵn, mỗi chiếc bánh chỉ bằng 2 ngón tay có giá khoảng 5.000 đồng/cái. Hiện tại, muốn thưởng thức món bánh đặc sản này thì bạn chỉ có thể tìm mua nó ở Bình Định mà thôi. Một gói bánh hồng trọng lượng 500 gr có giá khá rẻ, tầm 30.000 đồng đến 35.000 đồng, bánh được đặt sẵn trong hộp giấy, rất thuận tiện để đem theo làm quà trong mỗi hành trình.

Hãy tưởng tượng mà xem, nếu sau mỗi chuyến đi xa, bạn đem về bánh phu thê và bánh hồng Bình Định, hãy thử đem chúng ra nhâm nhi với một tách trà nóng thì thật sự khoái khẩu. Và dư âm của chuyến đi thú vị mà bạn đã có sẽ theo bạn mãi, nhắc bạn về một vùng đất không chỉ được thiên nhiên ưu ái về cảnh vật mà bàn tay của con người cũng vô cùng khéo léo trong chế biến ẩm thực.

Bánh hồng đặc sản Bình Định ăn xong trắng cả quần áo, bạn có muốn thử không? - Ảnh 1.
Nguồn: kenh14.vn

Nguồn Nhóm nghiên cứu đề tài truyền thông dự án du lịch Quy Nhơn.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

Bình Định là mảnh đất được nhiều du khách trong và ngoài nước nhắc đến trong mấy năm gần đây. Một phần bởi có nhiều bãi biển tuyệt đẹp được các tạp chí du lịch danh tiếng thế giới xếp hạng. Mặt khác, đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa, suốt từ vương triều Chămpa đến triều đại Tây Sơn hào hùng. Thế nhưng ít ai biết rằng, mảnh đất này từ lâu đã là xứ sở của nhiều món ăn ngon nức tiếng, gắn liền với nguyên liệu địa phương và sự chế biến khéo léo, tỉ mỉ của người dân quê hương. Trong số các món ăn đậm đà hòa quyện giữa các hương vị cả rừng cả biển thì không thể không nhắc đến chả cá Quy Nhơn – món ăn tuyệt vời thể hiện phẩm chất, hào khí của người dân Bình Định. 

Nguồn:https://www.cooky.vn/blog/cach-lam-cha-ca-quy-nhon-chien-mam-ot-dung-chuan-dac-san-thanh-pho-bien-3611

Sở dĩ người ta nhớ mãi hương vị của chả cá Quy Nhơn đó là vị ngọt thanh tự nhiên hòa quyện với các loại gia vị đặc trưng. Để tạo nên món ăn đậm đà bản sắc quê hương đòi hỏi mỗi công đoạn đều được thực hiện cẩn thận, chi tiết. Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là khâu chọn cá để chế biến chả. Chả cá Quy Nhơn được coi là món ăn đặc sản đại diện hồn cốt của người dân Bình Định. Điều này xuất phát từ việc đánh bắt cá, đại diện cho người lao động miền biển hằng ngày ra khơi để mang về những mẻ cá chất lượng nhất. Chính sự vất vả, cực nhọc đó mang đến món chả cá mang đậm vẻ đẹp lao động và hương vị của biển khơi. Cá ở đây phải được loại bỏ đầu, làm ruột sau đó bỏ lạnh đạt đến độ đông nhất định rồi mới tách bỏ xương. Cá ở đây phải là cá thu, cá mối, cá nhồng, cá đỏ củ, cá rựa, cá thuẫn thì mới tạo nên miếng chả tươi ngon tròn vị.

Món chả cá Quy Nhơn được tiến hành thực hiện đơn giản đi cùng với các nguyên liệu, gia vị dễ tìm trong cuộc sống. Điều đặc biệt ở đây là chả cá được làm hoàn toàn thủ công. Mọi khâu chế biến đều do người dân thực hiện nên hương vị tươi ngon của món ăn được lưu giữ trọn vẹn. Các bước để tạo nên món chả cá Quy Nhơn thơm ngon nức tiếng được thực hiện như sau: Chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết như: cá tươi, hạt tiêu bắc, hành, tỏi, gia vị cần thiết. Cá được loại bỏ đầu, ruột rồi rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Cho cá vào tủ đông đến độ lạnh nhất định rồi mới mang đi chế biến. Dùng thìa nạo sạch phần thịt cá cho vào tô rồi ướp cá với hạt tiêu, gia vị, hành tỏi băm nhuyễn từ 15 – 30 phút để cá ngấm đều gia vị. Lấy phần cá đã ướp mang đi xay nhuyễn hoặc giã tay để đạt độ mịn nhất định. Sau đó, bạn nắn thành những viên tròn, dẹp hoặc để thanh miếng lớn cho vào túi nilon để bảo quản.

Chả cá Quy Nhơn được chia thành 3 loại chủ yếu là: chả cá chiên, hấp, chả cá tươi. Mức giá dao động của chả cá trong khoảng 200.000đ/kg. Bạn có thể chế biến chả cá thành nhiêu món ăn hấp dẫn. Bún chả cá với nước dùng đậm đà nấu từ xương cá, đầu cá kết hợp với cà chua, dứa, hành. Đi kèm với đó là miếng chả cá cắt thành từng lát mỏng chiên vàng. Khi thưởng thức bạn sẽ ấn tượng với tô bún được xếp chả đều trên bề mặt, rau thơm rồi từ từ chan nước dùng nóng hổi. Chả cá chiên sơ qua 2 mặt rồi sốt với cà chua, rim nước mắm là một gợi ý hoàn hảo. Sự hòa quyện giữa các hương vị cùng vị ngọt thanh của chả cá là món ăn đưa cơm trong những ngày đông giá lạnh. Làm món bánh mì chả cá thay đổi thực đơn bữa sáng cho các thành viên trong gia đình. Chả cá được chiên vàng kẹp ở giữa bánh mì cùng với rau thơm, dưa chuột, tương ớt mang đến món ăn đơn giản mà ấn tượng. Bữa sáng được thực hiện nhanh chóng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho mọi người.

Chả cá tươi được vo tròn thành từng viên rồi chiên qua với dầu lớn. Miếng chả cá chín vàng, thơm ngon được thưởng thức cùng tương ớt mang đến hương thơm tuyệt vời. Món ăn phù hợp cho những câu chuyện, cuộc gặp gỡ bạn bè để tâm sự mọi câu chuyện. Chả cá Quy Nhơn được chế biến bằng phương pháp thủ công nên không có chứa hàm lượng chất bảo quản. Do đó khi chưa có nhu câu sử dụng bạn cần bảo quản cẩn thận để món chả cá vẫn giữ trọn vẹn hương vị và chất lượng vốn có. Nếu sử dụng chả cá ngay bạn chỉ cần rã đông khi mua về và thực hiện các món ăn cần thiết cho mọi người.

Nếu bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng được chả cá trong vòng 15 ngày, bảo quản ở ngăn đông thì sử dụng được 6 tháng. Nếu bảo quản đường dài thì bạn cần cấp đông chả cá rồi mới tiến hành bọc hàng để di chuyển xa. Trong lúc bọc hàng cần đóng gói cẩn thận để chả cá không bị tác động bởi môi trường bên ngoài.

Việc lựa chọn điểm bán chả cá Quy Nhơn uy tín ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Tuy nhiên cách bảo quản sản phẩm cũng cần thực hiện chính xác nhằm giữ lại hương vị trọn vẹn của chả cá. Đảm bảo được 2 yếu tố đó, chắc chắn bạn sẽ có món ăn thơm ngon cải thiện thực đơn cho các thành viên trong gia đình./.

Nguồn Nhóm nghiên cứu đề tài truyền thông dự án du lịch Quy Nhơn.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

Ngày nay với rất nhiều loại gia vị khác nhau, bữa cơm của người Việt được thưởng thức ngon miệng và gọn nhẹ hơn trong chế biến. Thế nhưng không một người Việt Nam thực thụ nào có thể lãng quên đi một thứ nước gia vị đặc trưng, quen thuộc và khó thay thế. Đó chính là nước mắm truyền thống. Thứ nước có màu nâu vàng óng ả của gió sương, của mồ hôi công sức những người chế biến, mùi vị mặn mòi của muối ướp, hương đậm đà của thời gian mới chắt chiu lắng đọng. Bình Định nổi tiếng ở dải đất miền Trung vì nước mắm ngon nổi tiếng, bên cạnh những thương hiệu nước mắm của Nha Trang, Phan Thiết, Hải Phòng, Phú Quốc. Đến Bình Định mà chưa xem qua quy trình sản xuất nước mắm, chưa được nếm thử các loại nước mắm thì xem như chuyến du lịch vẫn còn thiếu đi một hương vị thật đáng tiếc.

Nước mắm nhĩ Bình Định được chế biến từ 100% cá cơm tươi. Những người con Đất võ, dù đi bất cứ nơi nào, khi nghe mùi là biết ngay hương bị nước mắm đậm đà quê hương. Nước mắm Bình Định ngon cũng bởi sự kĩ lưỡng trong nhiều công đoạn chế biến. Trước hết, người dân vùng biển này thường chờ mùa cá cơm ngay sau Tết âm lịch, đó là lúc cá có chất lượng tốt nhất. Cá cơm tươi khi cập cảng được lựa chọn kỹ càng. Sau đó cá cơm được rửa sạch bằng nước muối loãng, cho vào những thùng lớn bằng gỗ hoặc lu, thạp sành. Người dân muối mắm theo cách cho từng lớp cá vào và rải muối trên bề mặt, thường tỉ lệ là 3 cá: 1 muối. Phần cá và muối đó được gọi là chượp. Sau khi cá đã vừa vặn miệng thùng, người ta rải một lớp muối cuối trên bề mặt và dùng dụng cụ để nén lại, đóng kín miệng thùng trong khoảng 12 tháng. Các thùng muối mắm thường được làm bằng gỗ tốt để mắm được đảm bảo ủ kín nhất và cho chất lượng tốt nhất. Các thùng còn có vòi nhỏ ở bên hông để lấy nước mắm nhĩ nguyên chất.

Nước mắm nhĩ là những giọt nước mắm đầu tiên được chắt lọc từ thùng nước mắm qua thời gian phù hợp. Nước mắm nhĩ Bình Định với độ đạm cao, hương vị đậm đà, màu nâu vàng sánh mịn, mùi thơm khó phai. Đến Bình Định, bạn sẽ luôn đưuọc thưởng thức một chén nước mắm ngon trong mọi bữa ăn. Cách sử dụng cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần rót mắm vào chén nhỏ, cắt thêm vài lát ớt, nhỏ thêm vài giọt chanh là có thể thưởng thức ngay. Gia đình nào sành ăn thì còn dùng nước mắm để nêm nếm như một loại gia vị, bảo đảm thức ăn sẽ rất đậm đà và hấp dẫn khó chối từ. Nước mắm Bình Định cũng được bán với giá rất phải chăng, thường là từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/lít, riêng nước mắm nhĩ thì giá cao hơn một chút 100.000 đồng đến 120.000 đồng/lít. Bạn cũng có thể dễ dàng mua được nước mắm về làm quà ở mọi khu chợ hoặc mọi cửa hàng bán đồ đặc sản Bình Định.

Nguồn: http://giavinuocmam.com/nuoc-mam-truyen-thong-quy-trinh-san-xuat-nhu-the-nao.html

Bên cạnh mắm nước truyền thống, Bình Định còn nổi tiếng với nhiều loại mắm khác nhau như: mắm nêm, mắm ruốc, mắm cua, mắm ruột, mắm cá thu… Mỗi loại mắm đều khác nhau bởi nguồn nguyên liệu hải sản rất phong phú, đa dạng mà chất lượng lại tuyệt hảo. Mỗi loại mắm lại được người dân Bình Định ăn kèm với một loại thức ăn khác nhau, tạo nên một dấu ấn đặc trưng không thể nào quên được. Chẳng hạn, rau luộc thì chấm mắm nêm, thịt luộc thì chấm mắm ruốc, rau sống thì chấm mắm ruột, cá nấu canh chua lại ăn kèm mắm cá thu… Bấy nhiêu đó cũng đủ khiến những người đã từng nếm qua không quên và những người chưa ăn muốn ăn thử. Giá cả của các loại mắm này cũng khá rẻ, thường là từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/lít, rất phù hợp để làm quà cho những chuyến du lịch./.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

Bánh xèo lâu nay vẫn được xem là món ăn quen thuộc và rất ngon miệng của đa số người Việt Nam. Nhưng chắc phải đến Bình Định, du khách mới được thưởng thức một món ăn đã thành đặc sản số một của tỉnh. Thú vị ngay từ cái tên, bánh xèo tôm nhảy Bình Định dường như luôn tạo sự ngạc nhiên và hương vị thơm ngon thường trực trong tâm hồn du khách ngay sau khi đã từ biệt vùng đất này.

          Bánh xèo tôm nhảy ở Bình Định vó nhiều quán ngon. Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến quán bánh xèo của bà Năm ở thông Mỹ Cang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định). Quán nằm cách Quy Nhơn khoảng 25km, đi xe chỉ cần 30 phút là tới. Muốn ăn bánh xèo bà Năm, khách phải đi từ 5 giờ sáng, ra tới nơi vẫn phải xếp đợi tới lượt. Quán bán cũng rất đặc biệt, chỉ phục vụ lần lượt, không chen lấn, tranh giành. Có lần, đợi mỏi mệt mới tới phiên mình ăn bánh xèo, có lúc hết tôm chẳng có bánh lại trở về không, người ta gọi đùa với nhau đi ăn bánh xèo “chảnh”. Dù vậy nhưng quán của bà Năm vẫn nườm nượp khách tìm đến mỗi ngày.

Có được tiếng ngon như vậy, bà Năm cũng như nhiều chủ quán bánh xèo ở Bình Định rất kĩ tính trong việc chọn nguyên liệu. Bà Năm luôn lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, lại sẵn có ở địa phương như tôm đất, gạo, mắm, rau, giá, hành, bánh tráng… để đúc bánh xèo. Chỉ cần tráng chảo qua một lớp dầu mỏng, đợi cho dầu thật nóng, thả vào những con tôm sông tươi rói. Tôm nhảy bật tanh tách trên chảo như đang nhảy múa trên mặt sông. Một cái bánh nhỏ như lòng bàn tay nhưng có đến chục con tôm. Vì thế mà bánh được gọi là bánh xèo tôm nhảy. Bà Năm rất kĩ tính khi làm bánh: một ngày chỉ ngâm 5 kí gạo xay bột, tự tay xay bột bằng cối đá xưa, tôm phải là tôm đất thôn Dương Thiện, nước mắm chỉ bỏ xoài sống bằm chứ không bỏ thơm… Bánh xèo ngon của quán phải đúc bằng than để bảo đảm độ nóng giòn. Bà còn tự mình xay bột, xay đến đâu đúc luôn đến đấy, nên bánh rất giòn và thơm. Bà Năm nay đã ngoài bảy mươi mà vẫn tự tay đứng đúc bánh, mấy đứa cháu thì phụ việc lặt rau, làm mắm hoặc dọn bàn cho khách. Cái bánh xèo vừa đúc ra, nóng hôi hổi, thơm nức, ăn kèm với nước mắm xoài, kèm rau sống hoặc cuốn thêm bánh tráng thật ngon khó tả. Có lẽ những nguyên tắc riêng và cả cái thân tình trong phẩm chất của con người Bình Định của bà Năm đã góp phần làm cho bánh bà đúc ra luôn thơm ngon, chuẩn vị và khiến du khách gần xa luôn chờ đợi để được thưởng thức mà kể lại, mà thòm thèm khi nhắc về Bình Định. Mỗi chiếc bành xèo có giá 20.000 đồng đến 30.000 đồng và mỗi người thường phải ăn 5 – 6 lá mới chắc bụng, nhưng đã ăn thì no rất lâu. Căn nhà nhỏ xíu của bà Năm sát cầu Mỹ Cang từ lâu đã trở thành địa điểm dừng chân quen thuộc của những du khách muốn đến thưởng nếm món ăn nổi tiếng của Bình Định. Bánh xèo tôm nhảy do bà Năm làm ra đã trở thành một thương hiệu ẩm thực đặc trưng của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này.

Nguồn:https://vietgiaitri.com/mon-banh-xeo-tom-nhay-ba-nam-ngon-nuc-tieng-binh-dinh-20211216i6213503/

Ngoài quán bánh xèo của bà Năm Mỹ Cang, thực khách thích tìm hiểu có thể dễ dàng thưởng thức bánh xèo ở nhiều quán khác ngay tại Quy Nhơn. Có thể kể đến con đường Diên Hồng với rất nhiều quán: Anh Vũ, Gia Vỹ, Mỹ Cang, Ông Hùng… ngoài ra còn có Nhật Gia Viên, Mộc Viên… đều là những quán bánh xèo tôm nhảy có tiếng. Thực khách vào quán không cần đợi lâu, chỉ cần uống nước trà nghỉ ngơi vài phút là bánh đã được dọn lên. Nhìn lá bánh xèo vàng giòn thơm lựng, hành giá đầy đủ, tôm đất đỏ au chấm kèm nước mắm ớt thật đã thèm. Hiện nay, ngoài làm bánh xèo tôm nhảy, nhiều quán đã chiều lòng thực khách bằng cách đúc bánh kèm thịt bò, mực, trứng cút… tạo nên rất nhiều hương vị thơm ngon đặc biệt. Từ lá bánh xèo, người ta còn nghĩ ra nhiều loại bánh tương tự như bánh căn, bánh xèo vỏ (đúc bằng bột và không hề có tôm thịt, ăn kèm nước mắm nêm)… Ở mỗi góc đường Quy Nhơn, khi bạn nghe thấy tiếng “xèo xèo”, khi bạn ngửi thấy mùi thơm trong không khí, khi thấy quán nhỏ nào có nhiều khói bay nghi ngút trong không khí là biết ngay quán đó đang có bánh xèo. Quen thuộc đến nỗi, mỗi tuần, người ta lại mời nhau một bữa bánh xèo, như ăn cao lương mĩ vị lâu ngày mà cần tìm về một món thôn dã, quê hương vậy. Hãy thử tưởng tượng, sau một ngày thăm thú các thắng cảnh, được thưởng thức lá bánh xèo tôm nhảy bên gia đình, hoặc một sáng tinh mơ xuất phát đến nơi xa đón bình minh và đợi một đĩa bánh xèo mực thì thật khó quên. Vậy mới nói, đến Bình Định mà chưa thưởng thức bánh xèo tôm nhảy thì cũng có thể coi như chưa biết nhiều về Bình Định vậy.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

Bình Định, mảnh đất miền Trung đầy nắng gió và cũng đầy gian truân. Là một phần của đời sống con người, các món ăn cũng phản ánh sự vất vả mưu sinh của người Bình Định. Nơi đây không có đặc sản cao sang, vương giả mà chỉ có những món ăn giản dị, đời thường. Ai đã từng đặt chân đến Bình Định, chắc hẳn không thể quên được những món ăn bình đạm, đơn sơ mà đậm tình, trọn vị. Bánh hỏi cháo lòng là một trong những món ăn làm lưu luyến lòng người như thế.

Đến Bình Định, du khách có thể thưởng thức món ăn này ở bất kỳ đâu. Mỗi suất ăn từ bình dân đến thượng hạng cũng chỉ dao động từ 15.000đ – 50.000đ/suất. Hiện nay, bánh hỏi cháo lòng đã theo bước chân người Bình Định đi khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc vô Nam, ở đâu có người Bình Định là có mặt bánh hỏi cháo lòng. Nhưng có lẽ món ăn này phải thưởng thức tại nơi sản sinh ra nó mới thật đậm đà, trọn vị bởi nó mang nặng tâm tư, tình cảm cùng những giọt mồ hôi nóng hổi của con người cần lao nơi đây.

Có lẽ, điều làm du khách không khỏi ngạc nhiên chính là tên gọi của loại bánh này. Tại sao lại gọi là bánh hỏi? Người dân Bình Định giải thích đơn giản rằng vì thấy hình thù kỳ lạ của bánh nên ai cũng hỏi bánh gì nên họ đặt nó là bánh hỏi. Cũng có cách giải thích khác là vì những sợi bánh mỏng nhỏ kết dính vào nhau hình hài giống dấu hỏi nên bánh được đặt tên là bánh hỏi. Chỉ có vậy thôi! Nhiều khi những cái tên do dân gian đặt ra cũng hoàn toàn võ đoán, rất khó giải thích vì sao.

Tìm hiểu về các công đoạn làm bánh, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự công phu, kỹ càng của người thợ để làm nên những chiếc bánh tưởng chừng đơn giản, bình thường kia. Bánh được làm từ gạo ngâm kỹ, xay nhuyễn rồi ủ qua đêm. Sau đó cho bột vào bao, lấy đá đè lên cho gạo thật ráo nước rồi hấp chín. Bột đã hấp sẽ được nhồi nhiều lần cho dẻo quánh lại. Người thợ ép bột vào khuôn ống có đục lỗ bên dưới đáy để bột chảy qua lỗ, dùng tay ngắt từng đoạn bột xếp lớp vào nhau. Công đoạn cuối cùng là đem những lớp bột này hấp lần cuối là có thành phẩm.

Bánh hỏi có thể ăn theo nhiều cách khác nhau. Cách đơn giản là thoa dầu, rắc lá hẹ lên rồi và chấm nước mắm hoặc xì dầu, vậy là có một bữa ăn sáng đơn giản, gọn nhẹ. Cách phổ biến nhất mà du khách được phục vụ tại quán là bánh hỏi ăn cùng với lòng heo được luộc lên nóng giòn, béo ngậy… Lòng heo được luộc với vài lát gừng, hành tím, bột ngọt, muối, sau đó vớt lòng ra ngâm với nước đá cho lòng giòn sừng sực. Nước luộc lòng sẽ được tận dụng để nấu cháo. Nước mắm chấm bánh hỏi, lòng heo là nước mắm đã được pha với lượng đường, nước, chanh vừa phải để không quá mặn mà vừa đủ 3 vị chua, mặn, ngọt. Ngoài ra, để không bị ngán, bánh hỏi cháo lòng thường được ăn kèm với rau sống, giá đỗ trụng. Một suất ăn bánh hỏi cháo lòng thường là: một đĩa có bánh hỏi ở lớp dưới, lòng heo được trải ở lớp thứ hai, giá đỗ trụng, rau sống ở lớp thứ ba, một chén nước mắm nhỏ, một tô cháo nhỏ. Đôi khi còn có cả bánh tráng nướng được ăn cùng để bữa ăn thêm “hương vị” và cũng có khi đó là thói quen ăn uống của người Bình Định.

Dọc trên các con phố ở nội thành Quy Nhơn, hay xa hơn ở Phú Tài, Diêu trì du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những quán bánh hỏi cháo lòng khá ngon. Các quán có “thâm niên” phục vụ món này có thể kể đến là quán Mẫn – 76 Trần Phú, quán cô Năm – 41 Nguyễn Chánh, quán Hồng Thanh – 22 Phan Bội Châu, quán Hồng Linh – 242 Lạc Long Quân, Phú Tài, Diêu trì … Các quán thường phục vụ vào buổi sáng, giá dao động từ 20.000đ đến 40.000đ tùy theo khẩu phần. Các quán ngon, nổi tiếng đều rất sạch sẽ, lòng heo tươi ngon, giòn, mềm, rau ăn kèm rất sạch sẽ, nước mắm pha chuẩn vị. Hầu hết du khách đến thưởng thức đều không ngớt lời khen, nhớ mãi hương vị đậm đà của món ăn./.

0 comment
0 FacebookTwitterPinterestEmail

Chào mừng bạn đến với website truyền thông quảng bá du lịch Quy Nhơn – Bình Định.

Nội dung trên trang web chỉ nhằm mục đích thông tin quảng bá du lịch. Bất kỳ hiển thị mua bán sản phẩm đều chuyển hướng đến trang web của doanh nghiệp đối tác. 

LIÊN HỆ

Đăng ký nhận tin tức và cập nhật mới nhất

Copyright © 2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by SaveMoney